Danh mục dự án
Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi còn rất non nớt, vì thế việc chăm sóc cho bé trong giai đoạn này không chỉ là thử thách mà còn là nỗi lo lắng của không ít các ông bố bà mẹ. Ở thời điểm này, bé bắt đầu làm quen với môi trường bên ngoài, khác xa hoàn toàn với khi bé còn trong bụng mẹ và mẹ cũng không thể đoán được bé nhà mình đang muốn gì. Hy vọng với những chỉ dẫn dưới đây sẽ giúp các mẹ đỡ được phần nào bỡ ngỡ trong hành trình “làm mẹ” đầy hạnh phúc này!
Cách cho con bú
Với những trẻ sơ sinh khoảng 1 tuần tuổi đang dần thích nghi với môi trường xung quanh, việc đầu tiên là bú mẹ. Dù là sữa mẹ hay sữa công thức thì học cách cho bé bú là cực kỳ quan trọng vì trẻ phải mất vài tuần mới hoàn thiện được các kỹ năng như hít thở, mút, nuốt khi bú. Theo lời khuyên của những người có chuyên môn, các mẹ nên cho con bú những giọt sữa non đầu tiên sau khi sinh 6 giờ, chúng chứa rất nhiều kháng thể giúp cho cơ thể của trẻ chống chọi đượ c các loại vi khuẩn có hại.
Trong tuần đầu tiên sau khi sinh, cơ thể của các mẹ sẽ còn yếu và đau đớn nên hãy tẩm bổ đúng cách và nhớ cho bé bú thường xuyên để “gọi sữa về”. Khi cho con bú, các mẹ nên cho trẻ bú hết từng bầu ngực, mỗi lần bú khoảng 10-15 phút. Trong trường hợp các bé phải dùng sữa công thức, các mẹ cần lưu ý đến tỷ lệ được ghi sẵn trên sản phẩm để pha cho đúng. Đặc biệt là phải vệ sinh dụng cụ pha sữa, bình sữa sạch sẽ giúp bé tránh được các loại vi khuẩn gây hại. Một lời khuyên dành cho những ai lần đầu làm mẹ là khi muốn gọi con dậy bú, hãy vuốt ve bé yêu một cách nhẹ nhàng. Việc thực hiện hành động đó thường xuyên sẽ giúp tăng cường sợi dây gắn kết tình mẫu tử và hình thành được thói quen bú đúng giờ của bé về sau.
Cách cho con ngủ
Trong những tuần đầu mới sinh, bé có xu hướng ngủ rất nhiều, đây là thời điểm vàng để mẹ có thể nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe sau sinh. Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi không thể phân biệt được ngày và đêm như những trẻ lớn hơn, vì thế các mẹ nên cần giúp con nhận thức được điều này bằng cách mỗi khi bé ngủ, hãy để đèn sáng nhẹ, hạn chế tối đa những tiếng ồn làm bé giật mình. Hãy nhẹ nhàng vỗ về để bé nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Để giấc ngủ của bé sâu và lâu hơn, các mẹ hãy giữ cho cơ thể bé đủ ấm, tã không bị ướt.
Các mẹ có thể cho con nghe những âm thanh nhẹ nhàng, vui nhộn hay tiếng mẹ nói chuyện,… dần dần các phản xạ có điều kiện của trẻ sẽ hình thành và giấc ngủ cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn với bé. Lưu ý, các mẹ không được để bé nằm một mình trong phòng ở tuần tuổi đầu tiên này. Ở thời điểm này, cơ thể trẻ còn non, não bộ vẫn chưa hoàn thiện, các mẹ không nên cho bé nằm nôi rung lắc bởi những động tác mạnh có thể làm trẻ bi tổn thương. Thay vào đó, các mẹ phải luôn giữ giường chiếu, chăn màn sạch sẽ, ấm áp và an toàn. Dù bé có ngủ như những người bình thường hay “ngủ ngày cày đêm” thì các mẹ hãy đảm bảo cho bé có những giấc ngủ ấm áp và đầy đủ nhất.
Cách mặc đồ cho con
Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi có làn da rất nhạy cảm, các mẹ hãy chọn lựa những bộ đồ với chất liệu cotton mềm mại, hãy ưu tiên đồ màu trắng vì các sợi vải màu trắng thường ít màu nhuộm và chất tẩy hơn quần áo có màu. Khi mặc đồ cho trẻ, các mẹ hãy ưu tiên những chiếc áo mềm và rộng, quần tã đúng cách, đội mũ kín hoặc che thóp, đeo bao tay và bao chân để tránh mất nhiệt. Việc thường xuyên dùng tay sờ vào gáy trẻ là mẹo mà các mẹ có thể kiểm tra chính xác thân nhiệt của con. Nếu gáy của trẻ có nhiều mồ hôi tức là cơ thể của bé đang nóng, ngược lại nếu gáy của trẻ lạnh và chân tay nổi gân xanh nhạt thì các mẹ nên ủ ấm bé tức thì.
Cách thay tã cho con
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều mẫu tã dành cho trẻ sơ sinh đến từ những thương hiệu nổi tiếng khác nhau. Tất cả những gì các mẹ cần làm là chọn cho con một sản phẩm phù hợp với làn da nhạy cảm của bé, mềm mại, thấm hút tốt. Khi tã của bé bị ướt, bé thường phát tín hiệu đến mẹ bằng việc ngọ nguậy tay chân, hay thường gặp hơn là khóc. Trước khi thay tã, các mẹ nên dùng khăn mềm hoặc khăn giấy ẩm lau nhẹ nhàng, sạch sẽ rồi hãy mặc tã mới cho bé. Các mẹ hãy chú ý khi kiểm tra nhiệt độ phòng vừa phải để tránh việc bé bị cảm lạnh, sau đó hãy vệ sinh tay cho mình sạch sẽ để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn. Sau mỗi lần tã bị ướt, các mẹ nên cho con bú ngay bởi lúc này cơ thể bé đã khá đói.
Cách tắm cho con
Ở tuần tuổi đầu tiên, trẻ sơ sinh thường chưa rụng rốn nên lúc này, việc tắm cho bé phải được các mẹ hết sức cẩn trọng, có thể nhờ đến sự giúp đỡ của y tá hoặc người thân trong gia đình. Cơ thể bé sau khi chào đời thường khá bẩn vì có nhiều cặn bám trên da. Các mẹ cần phải biết được cách tắm trẻ đúng chuẩn để vừa làm sạch cơ thể, vừa tránh cho bé không bị cảm lạnh. Tuy nhiên, việc tắm mỗi ngày là không nên, nó sẽ làm cho da của trẻ dễ bị khô. Trước khi tắm, các mẹ phải chuẩn bị đủ nước ấm, khăn, chậu, sữa tắm và quần áo.
Hãy bắt đầu bằng việc gội đầu cho con, sau đó dùng một chiếc khăn khô và mềm lau tóc cho trẻ. Các mẹ nên đặt bé nằm ngang khi tắm để cuống rốn không bị ướt. Nên dùng khăn mềm lau chân tay và các bộ phận cơ thể của bé. Mỗi lần tắm, các mẹ hãy canh thời gian không quá 5 phút để đảm bảo cho con mình không bị lạnh. Sau khi tắm xong nên trùm bé vào khăn ủ rồi nhanh chóng mặc lại quần áo và cho bé bú.