8 kiểu ăn uống “tàn phá” dạ dày hiếm ai chưa từng mắc

0
598

Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với sức khỏe dạ dày. Nhưng nhiều người lại ăn theo sở thích, thói quen mà không quan tâm đến việc nó tốt hay xấu cho dạ dày.

Ăn quá nhanh

Nếu bạn ăn quá nhanh, thức ăn sẽ không được tiêu hóa kỹ ở khoang miệng và sẽ được chuyển thẳng xuống dạ dày khi vẫn còn ở dạng thô. Điều này gây tổn hại đến niêm mạc dạ dày, làm tăng gánh nặng và thời gian làm việc của dạ dày, làm dạ dày mệt mỏi và giảm nhu động dạ dày. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến đau dạ dày và các bệnh về dạ dày nguy hiểm.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị nên kéo dài ít nhất 20 phút để nhai chậm và kỹ. Bởi ăn quá nhanh không chỉ gây hại cho dạ dày mà còn dễ gây ra tình trạng ăn quá nhiều, làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và nhiều bệnh khác.

Ăn quá nhanh

Ăn quá no

Ăn uống không điều độ sẽ gây rối loạn nhịp bài tiết của dạ dày, làm suy yếu chức năng rào cản của niêm mạc dạ dày, ăn quá nhiều cũng sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày. Thường xuyên ăn quá no thường gây ra các vấn đề như đầy hơi, nhu động dạ dày chậm và làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày.

Bên cạnh đó, ăn quá no trong mỗi bữa sẽ khiến dạ dày chậm rỗng, tiết ra quá nhiều axit dạ dày, gây áp lực lên cơ vòng thực quản dưới. Điều này còn làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản và suy giảm chức năng co bóp của dạ dày.

Lời khuyên là chỉ nên ăn vừa đủ, khoảng 70 – 80%. Điều này có nghĩa là lúc này bạn không cảm thấy đói, có thể ăn thêm vài miếng nữa mà không thấy khó chịu, không cảm thấy tức bụng nhưng cũng chẳng thèm ăn.

Giờ giấc ăn uống thất thường

Ăn uống thất thường, không đúng bữa, không đúng giờ là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh dạ dày. Các nghiên cứu cho thấy khi bạn ăn đúng giờ thì dạ dày sẽ tiết ra dịch vị để tiêu hóa thức ăn, tuy nhiên nếu bạn ăn uống không điều độ dạ dày vẫn duy trì thói quen đó. Theo thời gian, cơ chế cân bằng giữa sự tiết và bảo vệ bị xáo trộn dẫn đến đau dạ dày, loét hoặc ung thư dạ dày.

Giờ giấc ăn uống thất thường

Không ăn sáng

Theo các chuyên gia, việc duy trì thói quen ăn 3 bữa mỗi ngày đóng vai trò quyết định đối với sức khỏe nói chung và dạ dày nói riêng. Bữa sáng là bữa ăn vô cùng quan trọng nhưng lại thường bị bỏ qua hoặc ăn uống qua loa.

Bởi sau một đêm dài ngủ, năng lượng của cơ thể cạn kiệt. Nếu không ăn kịp thời, dạ dày bị kích thích bởi axit dịch vị. Lâu dần, chức năng tiêu hóa sẽ suy giảm nghiêm trọng, gây ra các bệnh về dạ dày, viêm loét và theo thời gian có thể gây ung thư dạ dày.

Ăn quá nhiều muối

Nhiều người thích những món ăn được nêm nếm đậm đà, và có thói quen ăn mặn mà không biết tác hại của nó như thế nào. Ăn nhiều muối sẽ làm giảm tiết axit dạ dày, làm giảm khả năng phòng vệ của niêm mạc dạ dày. Khi đó, hàng rào chất nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày sẽ dễ tổn thương, làm tăng nguy cơ viêm teo dạ dày.

Đặc biệt, muối tương tác với vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP), gây loét dạ dày, tá tràng. Loại vi khuẩn này là nguyên nhân gây ra 80 – 90% trường hợp viêm loét dạ dày, tá tràng. Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy những người thường ăn đồ mặn có nguy cơ mắc  ung thư dạ dày cao gấp đôi so với những người khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, người trưởng thành nên tiêu thụ ít hơn 5g muối mỗi ngày.

Ăn quá nhiều muối

Không tập trung khi ăn

Ngày nay, chúng ta khó có thể rời mắt khỏi điện thoại, máy tính hay tivi… khi ăn. Không chỉ vì chúng ta quá bận rộn mà còn vì muốn tranh thủ giải trí hay đơn giản là để bữa ăn bớt nhàm chán.

Những thói quen tưởng chừng như vô hại này lại có thể gây hại rất lớn cho dạ dày. Trong đó có đau dạ dày, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tiêu hóa thức ăn, nuốt phải dị vật trong dạ dày, viêm loét dạ dày do rối loạn tiết axit dịch vị…

Việc không tập trung vào bữa ăn cũng có thể khiến bạn ăn nhiều hơn mà không nhận ra. Những người không tập trung khi ăn thường ăn vặt nhiều hơn sau bữa ăn chính. Điều này không chỉ khiến dạ dày bị quá tải, suy yếu mà còn làm tăng nguy cơ bị tăng cân, béo phì.

Ăn quá ít rau củ, trái cây

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tăng cường ăn trái cây và rau củ quả có thể làm giảm nguy cơ ung thư đường tiêu hóa. Chế độ ăn ít rau và trái cây là nguyên nhân gây ra 19% ca ung thư dạ dày và ruột, 31% bệnh tim thiếu máu cục bộ và 11% ca đột quỵ. Đồng thời, tăng cường ăn các loại rau họ cải (cải chíp, bắp cải, súp lơ, cải xoăn…) có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày.

Ăn quá ít rau củ, trái cây

Chưa kể, ăn ít rau xanh, trái cây sẽ thiếu hụt chất xơ và nhiều loại vitamin, dưỡng chất khác. Giảm nhu động ruột, khó tiêu, dạ dày làm việc quá sức và suy giảm chức năng. Táo bón lâu ngày còn có thể gây ra bệnh trĩ hoặc viêm ruột thừa.

Tốt nhất nên ăn rau trong mỗi bữa ăn và trái cây tươi mỗi ngày. Cụ thể, nên ăn 150 – 200g rau mỗi bữa và 200 – 500g trái cây mỗi ngày.

Ăn khuya

Ăn khuya là thói quen xấu có hại cho dạ dày mà nhiều người, đặc biệt là giới trẻ thường mắc phải. Ăn khuya ở đây bao gồm ăn tối quá muộn hoặc ăn khuya sát giờ đi ngủ.

Thói quen này không chỉ ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ, gây béo phì mà còn buộc dạ dày phải làm việc quá giờ, khiến dịch vị dạ dày tiết ra quá nhiều, gây ăn mòn niêm mạc dạ dày. Thức ăn chưa được tiêu hóa hết sẽ bị phân hủy và lên men trong dạ dày dẫn đến đầy bụng, đau dạ dày. Đồng thời, ăn khuya cũng sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây khó ngủ, khiến cơ thể mệt mỏi hơn. Nó còn dễ gây tăng cân, béo phì và nhiều bệnh khác.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here