Sử dụng thực phẩm giàu đạm, không cho trẻ ăn rau xanh, chế biến món ăn thiếu chất béo… là những sai lầm cần tránh khi chế biến bữa ăn bổ sung cho trẻ.
Ít dùng dầu mỡ cho món ăn
Việc sử dụng ít dầu mỡ trong bữa ăn của trẻ là một sai lầm phổ biến vì thường lầm tưởng rằng dầu mỡ khó tiêu hóa và gây tiêu chảy, trong khi dầu mỡ lại rất cần thiết cho trẻ ở độ tuổi này.
Dầu ăn cho bé ăn dặm có thể bao gồm cả dầu thực vật hoặc dầu cá và được xếp vào nhóm thực phẩm cung cấp chất béo thiết yếu cho cơ thể cùng với các sản phẩm khác như bơ, phô mai, mỡ,….Dầu ăn thuộc nhóm dưỡng chất rất quan trọng, đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp hình thành các mô mỡ có chức năng điều hòa thân nhiệt, đồng thời giúp hấp thụ một số vitamin quan trọng cho cơ thể được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng. Với những công dụng này, không thể bỏ qua dầu ăn trong khẩu phần ăn của trẻ.
Ăn càng nhiều càng tốt
Nhiều bậc cha mẹ có quan niệm sai lầm rằng cho trẻ ăn càng nhiều chất, càng giàu đạm thì trẻ càng phát triển tốt hơn. Sai lầm chính là cho trẻ ăn dưới dạng nước thịt (chỉ cho trẻ ăn nước, không dùng cái vì sợ hóc), nước hầm xương… Không biết sử dụng nguồn chất đạm dồi dào ngoài thịt, cá như ăn trứng sợ trẻ đầy bụng, tôm, cua khiến trẻ ho và tiêu chảy. Không biết cách sử dụng các loại đậu, lạc và vừng làm nguồn cung cấp protein thực vật cho trẻ.
Không cho trẻ ăn các loại rau xanh
Khi chuẩn bị thức ăn dặm, các mẹ thường chỉ dùng nước luộc rau củ, thậm chí các loại củ như khoai tây, cà rốt cũng chỉ dùng nước ninh để khuấy bột cho bé mà không cho các bé ăn rau.
Khi cho trẻ ăn rau, ngoài mối quan tâm về nguồn gốc xuất xứ, độ tươi ngon, cách chọn các loại rau củ tốt cho bé ăn dặm, nhiều bậc ba mẹ còn lo lắng về nitrat – hợp chất có trong một số loại rau hấp thụ từ đất. Nếu hấp thụ quá nhiều sẽ dẫn đến methemoglobin huyết, khiến da tay, chân, miệng của trẻ chuyển sang màu xanh, trẻ có thể mệt mỏi, khó thở.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không cho bé ăn rau trong giai đoạn ăn dặm. Bởi một nghiên cứu công bố năm 2005 cho thấy hàm lượng nitrat cao từ rau củ chủ yếu có hại cho sức khỏe của trẻ từ 3 tháng tuổi trở xuống, giai đoạn trẻ chỉ mới bú sữa mẹ. Vì vậy, các mẹ có thể yên tâm trong việc lựa chọn rau củ cho bé miễn là rau tươi, sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Cho trẻ ăn cơm quá sớm
Cho trẻ ăn cơm quá sớm khi trẻ chưa mọc răng: Các bà mẹ cho rằng ăn cơm sớm sẽ giúp trẻ cứng cáp, nhanh biết đi. Thực tế, nếu cho trẻ ăn cơm quá sớm, trẻ sẽ chỉ nuốt, khiến hệ tiêu hóa phải làm việc quá sức.
Ngoài ra, nguồn dinh dưỡng quan trọng cho trẻ trong 2 năm đầu đời vẫn là sữa mẹ. Nếu trẻ ăn cơm sớm, lượng sữa cần hấp thụ sẽ giảm đi vì trẻ luôn có cảm giác no và không muốn uống sữa. Như vậy, cho trẻ ăn cơm sớm trước 16 tháng tuổi có thể gây suy dinh dưỡng.
Theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng, trẻ được 6 tháng tuổi (180 ngày), khi trẻ bắt đầu ăn dặm, hệ tiêu hóa của trẻ cần có thời gian để thích nghi với thức ăn. Vì vậy, bạn nên tập cho trẻ ăn bằng cách cho trẻ ăn 2-3 thìa nhỏ mỗi lần x 2 lần/ngày. Thời gian trẻ tập ăn thường chỉ trong vài ngày (thời gian tập ăn không nên kéo dài quá 1 tuần). Sau đó tăng dần lượng thức ăn cho phù hợp với độ tuổi của bé.
Đảm bảo bữa ăn của bé đầy đủ dinh dưỡng, mỗi bữa ăn phải đủ 4 nhóm thực phẩm bao gồm tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Đảm bảo vệ sinh trong ăn uống và chế biến thức ăn cho trẻ. Sử dụng thực phẩm tươi, sạch khi nấu ăn cho trẻ. Cần rửa sạch dụng cụ, tay trước khi chuẩn bị thức ăn và trước khi cho trẻ ăn.
Trên đây là những sai lầm thường mắc phải khi cho trẻ ăn dặm mà 333mama tổng hợp được. Nếu bạn đang gặp phải những sai lầm trên hãy nhanh chóng điều chỉnh để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé yêu nhé!