Tiến sĩ tâm lý trẻ em Rosa Kwok (Hồng Kông) chia sẻ cách cha mẹ giao tiếp với con giúp trẻ giảm bớt khả năng “đi sai đường”.
Dùng ngôn ngữ không phán xét để giao tiếp với con
Hãy cho con thấy rằng bạn quan tâm cảm xúc của con, chẳng hạn như “Mẹ thấy con khó chịu khi phải buộc dây giày”. Đồng thời, giúp trẻ nói về cảm xúc của mình để trẻ có thể gọi tên của các cảm xúc khác nhau, chẳng hạn như: “Dây giày dài ngoằng đó thật khó chịu”. Bằng cách này, trẻ có thể biết cảm xúc phức tạp này gọi là “thất vọng”.
Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ để con cảm thấy bạn là người đồng hành, luôn sẵn sàng lắng nghe chứ không phải kẻ thù của con, từ đó con sẽ giảm bớt sự trút giận lên bạn.
Khuyến khích con hợp tác
Khi thấy con cư xử chưa đúng, nếu chỉ tập trung vào trừng phạt hay đổ lỗi cho con thì chắc chắn con sẽ thù ghét bạn. Trừng phạt có thể giúp thay đổi hành vi trong ngắn hạn và bạn cũng không nhận được sự đồng tình hay ngưỡng mộ chân thành của trẻ. Nói cách khác, điều chúng ta muốn là dạy dỗ trẻ, còn hình phạt thì không thể đạt được mục tiêu này.
Ví dụ, thay vì nói “Con đang làm hỏng sàn nhà”, bạn hãy thử nói: “Nước trên sàn sẽ thấm xuống sàn và làm hỏng tầng bên dưới”. Thay vì trách mắng, hãy mô tả những gì bạn thấy. Hãy thử nói “Mẹ thấy có rất nhiều nước trên sàn.” thay vì nói “Con đừng làm đổ nước ra sàn”.
Nuôi dưỡng khả năng học tập độc lập
Để giúp con xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng, chúng cần sự khẳng định từ bố mẹ, nhưng tránh khen ngợi quá mức nếu không chúng sẽ cảm thấy như thể thế giới nợ chúng.
Một cách khác để nâng cao sự tự tin cho con là cho phép con được lựa chọn, chẳng hạn như tự chọn trang phục.
Hãy tôn trọng và khuyến khích nỗ lực của con. Nếu cha mẹ làm mọi thứ thay cho con, trẻ sẽ dần mất đi tính tự lập, dễ khiến chúng trở nên vô tích sự.
Nguồn: Giáo dục và thời đại