Ở tuần thứ 7 của thai kỳ, thai nhi phát triển rất nhanh và hình thành thêm các cơ quan nhỏ. Theo đó, cơ thể mẹ cũng có nhiều thay đổi, gây ra các bệnh lý khiến mẹ mệt mỏi hơn. Dưới đây là một số bệnh lý phổ biến mà mẹ có thể gặp phải trong giai đoạn này.
Rối loạn giấc ngủ, tâm lý, cảm xúc
Bệnh lý này thường xảy ra với các chị em lần đầu làm mẹ. Đặc biệt, khi mang thai tuần 7, mẹ cũng hay rơi vào trạng thái này. Thông thường, mẹ sẽ có cảm giác buồn ngủ nhiều hơn do sự tăng cường huy động máu và oxy để nuôi dưỡng bào thai.
Ngoài ra, trong giai đoạn đầu của thai kỳ, sự thay đổi hormone làm cho hơi thở của mẹ trở nên chậm và sâu hơn, đôi khi khiến mẹ cảm giác hít thở khó khăn hơn. Điều này dễ dẫn đến tâm lý lo lắng và hồi hộp phát sinh. Các mẹ nên cố gắng duy trì cảm xúc tích cực và vui vẻ, bởi cảm xúc của mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của thai nhi. Nếu cảm thấy áp lực, mẹ nên tâm sự với gia đình hoặc bạn bè.
Mệt mỏi và đau nhức
Trong những tuần đầu của thai kỳ, đặc biệt là tuần thứ 7, mẹ thường cảm thấy mệt mỏi và đau nhức toàn thân. Nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết tố diễn ra mạnh mẽ khi thai nhi đang bắt đầu phát triển với tốc độ rất nhanh.
Tuy nhiên, dù có mệt mỏi đến đâu thì mẹ cũng nên cố gắng ăn uống đầy đủ và cân bằng để thai nhi phát triển khỏe mạnh. Theo đó, mẹ nên chọn các thực phẩm tốt và cần thiết cho mẹ. Ưu tiên các thực phẩm giàu axit folic, canxi, sắt, và các dưỡng chất khác.
Rối loạn tiêu hóa
Tình trạng này khá phổ biến không chỉ ở tuần thứ 7 mà có thể kéo dài trong suốt tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ. Nguyên nhân là vì sự thay đổi nội tiết tố khiến lượng hormone Progesterone tăng cao, làm giảm co bóp của các cơ trong thành ruột, dẫn đến tình trạng khó tiêu và đầy bụng ở mẹ bầu.
Để giảm thiểu tình trạng rối loạn tiêu hóa, mẹ nên hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ và ưu tiên các loại rau xanh, hoa quả và thực phẩm ít chất béo trong chế độ ăn hàng ngày.
Thiếu máu
Thiếu máu là tình trạng thường gặp phải ở nhiều mẹ bầu. Thiếu máu có thể khiến cơ thể không cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng để nuôi bào thai. Đồng thời, làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh và sinh non. Trẻ khi sinh ra dễ bị suy dinh dưỡng và mắc nhiều bệnh bẩm sinh.
Do đó, mẹ nên tích cực bổ sung sắt cho thai nhi. Ngoài việc sử dụng viên uống, mẹ có thể tăng cường sắt qua thực phẩm hàng ngày như thịt bò, tim gan, lòng đỏ trứng…
Nguồn: Con Cưng