8 thói quen đẩy nhanh quá trình lão hóa xương 

0
1308

Theo thời gian, khi tuổi tác tăng lên, xương sẽ dần bị hao mòn do phải chịu gánh nặng từ các hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên có những thói quen có thể thúc đẩy quá trình lão hóa xương diễn ra nhanh hơn bình thường.

Dưới đây là một số thói quen có thể khiến xương lão hóa nhanh hơn mà bạn cần lưu ý:

Chế độ ăn thiếu canxi

Theo Viện Y tế Hoa Kỳ (NIH) thì canxi là một nguyên tố vô cùng quan trọng cho quá trình hình thành xương. Việc không cung cấp đủ canxi có thể khiến xương yếu đi theo thời gian.

Theo đó, nhu cầu canxi mỗi ngày phụ thuộc vào từng độ tuổi và tiền sử bệnh lý liên quan nếu có. Việc sử dụng canxi bằng thực phẩm bổ sung cần phải có sự tư vấn của bác sĩ, tránh bổ sung dư thừa gây hại cho sức khỏe.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị lượng canxi cần thiết mỗi ngày như sau:

– Trẻ em 0 – 1 tuổi: Cần nạp 400mg – 600mg/ngày

– Trẻ em 1 – 10 tuổi: Cần nạp 800mg/ngày

– Người lớn 11 – 24 tuổi: Cần nạp 1.200 mg/ngày.

– Người lớn 24 – 50 tuổi: Cần nạp 800mg – 1.000mg/ngày.

– Phụ nữ có thai, người cao tuổi: Cần nạp 1.200 mg – 1.500 mg/ngày.

Nguồn thực phẩm giàu canxi bao gồm sữa và chế phẩm từ sữa; tôm, cá, cua, ốc; trứng, đặc biệt là lòng đỏ trứng; đậu nành, vừng, mộc nhĩ; các loại rau lá xanh như: rau ngót, rau cần, rau dền, rau muống;…

Các thực phẩm giàu canxi sẽ giúp ích cho sức khỏe xương.

Tiêu thụ quá nhiều muối

Theo nhiều thống kê, người Việt thường có thói quen ăn mặn khi sử dụng nhiều muối để tăng hương vị cho món ăn. Tuy nhiên, việc ăn mặn không chỉ gây hại cho sức khỏe tim, thận, huyết áp, mà còn làm gia tăng nguy cơ mất canxi từ xương, suy giảm khối lượng và tính toàn vẹn của xương. Điều này khiến xương yếu hơn, dễ gãy và đau nhức, đồng thời tăng nguy cơ loãng xương.

Ngồi quá nhiều

Việc ngồi quá lâu và quá nhiều không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, não bộ, và nội tiết mà còn gây hại cho sức khỏe xương, làm giảm mật độ và xương nhanh yếu hơn. Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở dân văn phòng và người lớn tuổi.

Để chống lại tác hại này, hãy ngắt nghỉ thời gian ngồi hợp lý bằng cách đứng lên di chuyển kết hợp các bài thể dục ngắn như duỗi người, đi bộ vài phút,… Điều này không chỉ tốt cho xương mà nó còn giúp cải thiện lưu thông máu tới các cơ quan trong cơ thể.

Lười vận động

Hoạt động thể chất, đặc biệt là các bài tập tăng sức chịu trọng lượng và sức bền như đi bộ hoặc nâng tạ, góp phần quan trọng trong việc xây dựng và duy trì mật độ xương, giúp xương chắc khỏe hơn, và giảm nguy cơ gãy xương và loãng xương.

Vì vậy, nếu ít vận động hoặc không tập thể dục có thể đẩy nhanh quá trình loãng xương và tăng nguy cơ đau nhức xương khớp. Thói quen ít vận động cũng liên quan mật thiết đến thừa cân, béo phì. 

Lười vận động có thể đẩy nhanh quá trình loãng xương.

Uống rượu quá mức

Việc uống quá nhiều rượu cản trở quá trình hấp thụ canxi và vitamin D tại đường tiêu hóa, từ đó khiến xương ngày càng trở nên yếu hơn, tăng nguy cơ gãy xương và loãng xương.

Để hỗ trợ sức khỏe xương, cần hạn chế việc uống rượu ở mức vừa phải, tức là không quá 2 ly hoặc ít hơn mỗi ngày đối với nam giới và không quá 1 ly mỗi ngày hoặc ít hơn đối với nữ giới.

Tiêu thị quá nhiều đồ uống có gas

Đồ uống có ga không chỉ chứa nhiều đường mà còn có hàm lượng axit photphoric cao, có thể làm tăng quá trình bài tiết canxi, dẫn đến giảm mật độ và xương yếu hơn. 

Hãy thay đồ uống có gas bằng các đồ uống lành mạnh tốt cho sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe xương nói riêng như: Nước dừa, nước ép trái cây, nước ép rau củ,…

Hút thuốc lá

Một nghiên cứu năm 2021 trên NCBI chỉ ra rằng các hóa chất độc hại trong khói thuốc lá có thể cản trở quá trình tái tạo xương, khiến xương dễ gãy hơn. Ngoài ra, hút thuốc lá cũng làm giảm lưu thông máu đến xương, làm xương nhanh hơn.

Chế độ ăn không đủ calo

Việc không cung cấp đủ calo cho cơ thể có thể làm xương yếu đi, vì xương cần được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng như canxi, vitamin D, và protein để duy trì sức khỏe.

Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here