Cha mẹ luôn đầu tư cho con trong việc học hành với mong muốn tạo nền tảng tốt cho tương lai của con sau này. Chỉ có điều cùng một “hạn mức đầu tư” nhưng có trẻ học giỏi, có trẻ lại học dở.
Thực tế, không có đứa trẻ nào giống nhau, vì mỗi đứa trẻ là một bản thể riêng biệt. Nên cách mà trẻ học cũng cần được thiết kế riêng chứ không thể rập khuôn, lập trình giống những đứa trẻ khác. Và tôi gọi nó là: “Học hành made in… con”.
Học hành “made in… con” là gì?
Là chương trình học, phương pháp học phải được “đo ni đóng giày” cho phù hợp với con bạn. Cùng một giáo trình, mỗi giáo viên lại có phương pháp dạy khác nhau nên dù cùng một chương trình học, mỗi đứa trẻ cần có một phương pháp học khác nhau.
Là một giáo viên giỏi, phải hiểu con bạn thì mới có cách truyền thụ kiến thức để con tiếp thu được tốt nhất. Nên rất cần một giáo viên nhiều năm kinh nghiệm…
Là mỗi đứa trẻ lại cần những thiết kế được tùy biến thì mới hấp dẫn được chúng, kích thích và giúp trẻ phát huy được khả năng của trẻ.
Là không bao giờ có một chương trình chung nào xuất sắc đến độ cho một đứa trẻ bất kỳ nào vào “chạy chương trình” là đều thành công cả. Tất cả đều phải được tuỳ biến, phù hợp với trẻ.
“Đo ni đóng giày” cho việc học của con
Dưới đây là 5 lời khuyên mà cha mẹ có thể tham khảo để con không phải “gọt chân cho vừa giày”:
– Tin vào con mình như tin vào chính mình.
– Một cơ sở giáo dục, một người thầy chất lượng không hẳn chỉ đo lường ở thành tích của họ với những đứa trẻ mà họ đã dạy trước đó mà là với con bạn, họ hiểu con bạn đến đâu. “Hiểu” ở đây là bằng kinh nghiệm chứ không phải bằng thành tích.
Thành tích là thứ đến sau, điểm cộng chứ không phải thứ quyết định cho việc bạn cho con học tại đó.
– Cha mẹ hãy chọn chương trình học thiết kế phù hợp với khả năng của con bạn. Sự hỗ trợ từ công nghệ sẽ giúp đánh giá – tuỳ chỉnh trong suốt quá trình học của con.
– Sự đồng hành: Người dạy đồng hành cùng con bạn hay họ chỉ đồng hành với thành tích của con bạn? Họ đánh giá qua nỗ lực của con bạn hay chỉ theo thành tích, kết quả của con bạn?
– Phương pháp đo lường của họ là gì? Phương pháp đo lường của họ cần chi tiết như: Thời gian con nói trên lớp, số lần phát biểu, hành vi học tập chủ động tại nhà của con, mức độ chuyên cần và cuối cùng mới là điểm số…
Mỗi đứa trẻ là duy nhất, với điểm mạnh, điểm yếu, cá tính, sở thích và tiềm năng riêng biệt. Không có 2 đứa trẻ giống nhau hoàn toàn thì tại sao lại áp dụng một phương pháp học tập cho mọi đứa trẻ?
Theo Phụ Nữ Việt Nam