Nghèo về tài chính không đáng sợ bằng nghèo khó trong tư duy. Nếu cứ giữ những suy nghĩ này thì sẽ khó thoát khỏi bế tắc trong cuộc sống.
Dưới đây là 4 suy nghĩ sai lầm mà nhiều người mắc phải, khiến bản thân không thể thoát nghèo và khó thành công.
Chỉ người có bằng cấp cao mới tìm được công việc tốt
Theo quan niệm truyền thống, nhiều người vẫn tin rằng chỉ có bằng cấp hoặc trình độ học vấn cao mới có thể tìm được một công việc tốt.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu về nhân tài của các công ty, doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở tấm bằng tốt nghiệp, điều quan trọng nhất là họ cần năng lực “thực chiến” của con người. So với tài năng thực sự và kinh nghiệm thực tế, tấm bằng chỉ là một tờ giấy.
Bằng cấp không có lỗi, lỗi là nhiều người lầm tưởng rằng chỉ cần có bằng cấp là có thể xin được việc làm. Trên thực tế, tấm bằng giống như tấm vé vào cửa để bạn bước vào một cuộc sống trưởng thành dễ dàng hơn, mà không cần có đủ năng lực đặc biệt để có một chỗ đứng trong xã hội. Khi bước vào đời, không nhiều người nhớ tới “tấm vé” bằng cấp, mà chính kiến thức và kỹ năng mềm là hành trang theo mỗi người trong suốt chặng đường sự nghiệp. Vì vậy, luôn cần phải biết mình là ai, năng lực thế nào để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
Chăm chỉ làm việc là con đường duy nhất trở nên giàu có
Ngay từ khi còn nhỏ, mọi người đều được dạy phải làm việc chăm chỉ để đạt được thành công. Nhưng trên thực tế, “làm việc chăm chỉ” không bao giờ là đủ để đạt được ước mơ làm giàu.
Triệu phú tự thân, người sáng lập và CEO của VaynerMedia – Gary Vaynerchuk từng nói: “Nếu cả đời bạn chỉ làm việc chăm chỉ thì bạn sẽ không bao giờ trở nên giàu có. Bởi vì làm việc chăm chỉ thôi chưa đủ để bạn kiếm tiền và tiết kiệm”. Theo ông, ngoài chăm chỉ, để thành công còn cần nhiều yếu tố khác như cơ hội, sự đổi mới, sáng tạo hay các mối quan hệ…
Dù có làm việc chăm chỉ nhưng nếu không có tư duy đổi mới, tinh thần học hỏi và khả năng giao tiếp thì bạn cũng chỉ là người làm công ăn lương bình thường. Ngoài ra, nếu không biết phát triển các mối quan hệ thì cả cuộc đời bạn sẽ bị tụt lại phía sau.
Nhắc về tiền bạc sẽ làm tổn thương cảm xúc
Đề cập đến tiền bạc là xu hướng nhiều người thường tránh trong mọi mối quan hệ. Họ cho rằng nhắc đến tiền sẽ khiến các mối quan hệ trở nên xa cách, rạn nứt, thậm chí tan vỡ. Nhưng trên thực tế, tiền rất quan trọng trong cuộc sống cũng như mọi mối quan hệ xã hội. Tiền không tốt hay xấu, trái lại, cách con người sử dụng tiền sẽ làm cho nó tốt hay xấu. Bàn về tiền bạc một cách tự nhiên, nghiêm túc, rõ ràng sẽ tốt cho cả hai bên. Nói chuyện thẳng thắn về tiền bạc sẽ dễ hòa hợp hơn là ngại ngùng.
Vì vậy, dù trong bất kỳ mối quan hệ nào, không cần phải ngại ngùng khi nói đến tiền bạc. Qua đó, hai bên có thể hiểu được quan điểm, mong muốn của nhau, nâng cao sự hiểu biết và tạo thêm niềm tin trong các mối quan hệ.
Nhiều của cải sẽ khiến con người có suy nghĩ sai lệch
Steve Siebold – tác giả cuốn sách “Người giàu nghĩ thế nào” cho rằng, người nghèo luôn nghĩ người giàu kiêu ngạo, họ chỉ muốn kết giao với những người có tư tưởng giống mình. Người giàu không thể hiểu được thông điệp của sự bất hạnh và buồn bã, vì đa số coi đây là dấu hiệu của thói hợm hĩnh.
Trên thực tế, nhân cách và đạo đức của một người không được quyết định bởi việc họ có nhiều tiền hay không. Hầu hết những người thành công, giàu có và có khối tài sản khổng lồ vẫn khiêm tốn. Họ dùng tài sản của mình để giúp đỡ người khác và đóng góp cho xã hội. Vì vậy, không phải của cải sẽ “biến chất” con người mà nó sẽ giúp con người nâng cao hiểu biết và sử dụng của cải một cách hiệu quả, có ý nghĩa.