Răng mọc lệch là tình trạng khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Tình trạng này kéo theo các vấn đề về thẩm mỹ, ăn uống, giao tiếp khó khăn hơn. Phát hiện sớm, kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa, cải thiện tình trạng răng mọc lệch ở trẻ nhỏ, giúp trẻ có một nụ cười tự tin và hàm răng chắc khỏe.
5 nguyên nhân khiến răng trẻ mọc lệch
Thói quen không tốt
Do tính tò mò, thích khám phá mà trẻ thường có thói quen bỏ đồ vật vào miệng để cảm nhận, giữ thói quen này trong thời gian dài có thể khiến răng mọc không thẳng hàng. Bên cạnh đó, việc duy trì thói quen mút tay, ngậm núm vú… lâu cũng khiến răng trẻ mọc lệch, mọc chen nhau… ảnh hưởng tới thẩm mỹ cũng như hoạt động nhai nuốt.
Bị mất răng sữa sớm
Răng sữa đảm nhiệm nhiệm vụ giữ vị trí, để các răng vĩnh viễn mọc đúng chỗ và thẳng hàng. Nếu trẻ bị mất răng sữa sớm, sẽ ảnh hưởng tới quá trình mọc của các răng vĩnh viễn, khiến chúng dễ có xu hướng mọc lệch hoặc mọc chen chúc nhau.
Di truyền
Cha mẹ có hàm răng không đồng đều hay xương hàm phát triển không bình thường có thể ảnh hưởng ít nhiều đến trẻ. Trẻ thừa hưởng những di truyền này sẽ có răng mọc lệch.
Nằm sấp trong thời gian dài
Tư thế nằm cũng ảnh hưởng nhiều tới hướng mọc răng của trẻ. Nếu trẻ nằm sấp trong thời gian dài, tư thế này sẽ tạo áp lực lên má và miệng, khiến răng bé mọc không đúng hàng lối. Bạn có thể quan sát rõ sự thay đổi của răng bé sau thời gian dài nằm sấp.
Khối u
Răng mọc lệch do khối u trong miệng là tình trạng khá hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Lúc này bạn nên nghe theo lời tư vấn của bác sĩ để trẻ được điều trị một cách khoa học, an toàn và kịp thời.
Biểu hiện của răng mọc lệch ở trẻ nhỏ
Trẻ có răng mọc lệch có thể dễ dàng quan sát nếu ở trẻ có 3 biểu hiện sau:
- Hàm trên chìa ra quá nhiều, phủ cả hàm dưới
- Giữa các răng có quá nhiều kẽ hở
- Hàm trên và hàm dưới ăn khớp bất thường hoặc không ăn khớp, ảnh hưởng nhiều tới việc ăn uống của trẻ, khiến trẻ nhai nuốt khó khăn hơn.
Khắc phục tình trạng răng mọc lệch ở trẻ nhỏ
Răng mọc lệch ở trẻ nhỏ là một tình trạng khá phổ biến, ba mẹ có thể tham khảo một số cách sau để giúp bé khắc phục tình trạng này:
- Giúp bé vệ sinh răng miệng và tạo thói quen chăm sóc, giữ vệ sinh răng miệng cho bé ngay khi bé bắt đầu mọc răng.
- Giúp bé loại bỏ một số thói quen xấu gây ảnh hưởng tới hướng răng mọc. Trước khi bé lên 2 tuổi, ba mẹ nên ngừng cho bé ngậm ti giả để tránh duy trì thói quen này lâu dài, khiến răng mọc lệch. Nếu bé hay mút, ngậm ngón tay/ đồ vật, bạn cũng nên hướng cho bé sớm loại bỏ thói quen này.
- Cách tốt nhất là bạn đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để khám, hỏi ý kiến nha sĩ để có thể điều trị cho bé hiệu quả.
Ngăn ngừa răng mọc lệch ở trẻ nhỏ
Tập cho trẻ những nói quen tốt ngay từ nhỏ có thể giúp trẻ ngăn ngừa tình trạng răng mọc lệch, mọc chen chúc… Ví dụ như:
- Không để trẻ mút, ngậm ngón tay
- Cách 6 tháng lại đưa trẻ đến nha sĩ để khám răng định kỳ để phát hiện kịp thời và ngăn ngừa các bệnh vể răng miệng
- Sử dụng bàn chải và kem đánh răng thích hợp với trẻ, tập cho trẻ thói quen đánh răng sau khi ăn
- Hạn chế cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt, không ăn đồ ngọt vào buổi tối để tránh sâu răng. Bổ sung thêm nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là vitamin D – giúp trẻ hấp thu canxi tốt hơn cho hệ xương và răng phát triển.
Chăm sóc và bảo vệ răng ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ có một hàm răng đẹp và khỏe mạnh, không chỉ đảm bảo về mặt thẩm mỹ, mà còn giúp trẻ không gặp khó khăn trong việc ăn uống và tiêu hóa thức ăn, cũng như các bệnh về răng miệng khác. Răng mọc lệch còn có thể khiến trẻ thiếu tự tin trong giao tiếp. Do vậy, hãy dành thời gian quan sát và đưa trẻ đi khám răng định kỳ, để răng của các bé được chăm sóc mốt cách tốt nhất.