Cha mẹ vô tình tạo “lá chắn độc hại” cho con

0
11

Nhiều cha mẹ, khi thấy người khác góp ý về con mình, chưa cần nghe hết câu chuyện, họ đã “sồn sồn” bênh con. Họ luôn có xu hướng bênh con chằm chặp, bất kể con mình đúng hay sai.

Có cậu bé 7 tuổi vô tư lấy bút dạ vẽ khắp tường trong khu chung cư. Khi bị bác bảo vệ nhắc nhở, mẹ cậu bé chẳng những không nhận lỗi mà còn lớn tiếng chỉ trích: “Trẻ con thì nghịch ngợm chút cũng có gì đâu! Người lớn mà chấp vặt như thế à!”. Bác bảo vệ đành im lặng trong sự bức xúc, còn cậu bé lại hí hửng vì “thoát nạn”. Việc cha mẹ bênh con như người mẹ này không hiếm.

Sự bênh vực quá mức của cha mẹ dần trở thành một “lá chắn độc hại” với con.

Nhiều cha mẹ suy nghĩ, phải bảo vệ con trước những lời nhận xét, đánh giá của người khác. Họ không muốn con chịu bất kỳ sự tổn thương hay khiển trách nào, đặc biệt là từ người ngoài. Tuy nhiên, sự bênh vực này dần trở thành một “lá chắn độc hại”, che đậy những sai lầm của trẻ và cản trở sự trưởng thành của con.

Như một bé lớp 3 giật tóc, đánh bạn trong giờ ra chơi. Khi cô giáo nhắc nhở, mẹ của em lập tức gọi điện phản ứng: “Cô giáo nghiêm trọng hóa vấn đề quá! Trẻ con chơi với nhau thì đôi lúc nghịch ngợm chút chứ có chuyện gì to tát đâu”. Chính sự phản ứng của mẹ như vậy khiến đứa trẻ nghĩ rằng việc mình làm không có gì sai. Kết quả là lần sau, em còn mạnh tay hơn, tiếp tục làm tổn thương bạn bè mà không cảm thấy áy náy.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc cha mẹ bênh con chằm chặp, bênh con mù quáng gây ra nhiều hệ luỵ. Đó là trẻ không nhận ra sai lầm của mình. Khi được cha mẹ bao che, trẻ dễ dàng biện minh cho hành vi sai trái của mình và không nhận thức được hậu quả. Lâu dần, trẻ mất đi khả năng tự chịu trách nhiệm, luôn trông chờ sự can thiệp của người khác mỗi khi có rắc rối.

Bên cạnh đó, khi được cha mẹ bênh, trẻ sẽ xem nhẹ lời góp ý từ người khác. Sự bênh vực quá mức khiến trẻ trở nên cứng đầu, coi thường những lời nhắc nhở hay góp ý từ thầy cô, bạn bè, hay những người xung quanh. Điều này không chỉ gây khó khăn trong môi trường học đường mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ xã hội sau này.

Đặc biệt, khi cha mẹ bênh con chằm chặp, bất kể con đúng hay sai, sẽ phá vỡ tính kỷ luật và sự công bằng. Một đứa trẻ được cha mẹ luôn “đứng về phía mình” sẽ dễ phát triển tính cách ích kỷ, không tôn trọng quy tắc và kỷ luật. Điều này không chỉ làm hại chính trẻ mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng, khi những hành vi sai trái cứ tiếp diễn mà không được chấn chỉnh.

Yêu con đúng cách là biết giúp con nhận ra lỗi sai và sửa chữa, thay vì luôn bao biện cho con.

Theo các chuyên gia giáo dục, làm cha mẹ, ai cũng yêu con và muốn bảo vệ con, nhưng cần phân biệt giữa bảo vệ và dung túng. Yêu con đúng cách là biết giúp con nhận ra lỗi sai và sửa chữa, thay vì luôn bao biện cho con.

Cha mẹ cần khuyến khích con chịu trách nhiệm. Khi con làm sai, thay vì che đậy, cha mẹ hãy để con đối diện với hậu quả. Ví dụ, nếu con làm bẩn tường nhà hàng xóm, hãy cùng con xin lỗi và lau sạch. Trẻ sẽ học được bài học quý giá từ hành động này.

Cha mẹ cần dạy con biết tôn trọng người khác. Cha mẹ cần nhấn mạnh với con rằng việc lắng nghe góp ý của người khác là điều cần thiết để trưởng thành. Nếu ai đó nhắc nhở con, hãy hỏi lại con đã làm gì và phân tích để con hiểu.

Đặc biệt, cha mẹ cần đồng hành thay vì bao che cho con. Cha mẹ không cần lúc nào cũng “lao vào giải cứu” con. Cha mẹ hãy là người hướng dẫn, giúp trẻ tự giải quyết vấn đề thay vì dựa dẫm vào cha mẹ.

Cha mẹ cần nhớ rằng, một đứa trẻ biết nhận sai, biết sửa sai và biết tôn trọng người khác sẽ thành công và được yêu quý hơn rất nhiều so với một đứa trẻ luôn được bao bọc quá mức. Yêu con không phải là biến con thành “trung tâm vũ trụ” mà là giúp con hòa nhập vào thế giới với đầy đủ trách nhiệm và sự thấu hiểu.

Theo Phụ Nữ Việt Nam

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here