Danh mục dự án
Cả sữa bò và sữa đậu nành đều là nguồn cung cấp protein, canxi và nhiều chất dinh dưỡng khác. Nghiên cứu cho thấy, trong số tất cả các sản phẩm thay thế sữa có nguồn gốc thực vật thì sữa đậu nành là phù hợp nhất.
Sữa đậu nành có thể thay thế sữa bò được không?
Sữa bò và các sản phẩm được làm từ sữa như phô mai, sữa chua,… là nguồn cung cấp vitamin, protein và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Sữa cũng là thực phẩm giàu canxi và dễ hấp thu hơn các loại thực phẩm khác.
Mặc dù sữa là nguồn thực phẩm phù hợp nhất để bổ sung dinh dưỡng và canxi nhưng đối với những người không thể uống được sữa bò như người không dung nạp lactose, người ăn chay hoặc người ưu tiên chế độ ăn các thực phẩm có nguồn gốc thực vật thì sữa đậu nành là sự lựa chọn phù hợp.
Sữa đậu nành là sản phẩm sữa thực vật được làm từ đậu nành. Quá trình chế biến bao gồm các bước như ngâm, xay đậu nành, sau đó lọc và đun sôi để tạo ra hỗn hợp là nhũ tương ổn định gồm dầu, nước và protein. Loại sữa này là sự thay thế lành mạnh cho sữa bò vì nó không chứa lactose và chứa nhiều chất béo lành mạnh hơn sữa bò.
Sự khác biệt giữa sữa bò và sữa đậu nành
Cách đơn giản nhất để so sánh sự khác biệt giữa sữa đậu nành và sữa bò là dựa trên hàm lượng dinh dưỡng của chúng.
Theo phân tích của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sữa đậu nành cung cấp 3,3g protein trên 100g khẩu phần. Sữa bò chứa 3,4g protein trong cùng một khẩu phần. Vì vậy không có sự khác biệt đáng kể về mặt hàm lượng protein trong sữa đậu nành và sữa bò.
Sữa đậu nành và sữa bò chứa đủ 9 loại axit amin thiết yếu. Tuy nhiên, sữa đậu nành sẽ tốt hơn nếu xét đến các chất dinh dưỡng phổ biến khác trong cả hai sản phẩm.
Cụ thể là sữa đậu nành có hàm lượng acid béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa cao hơn, trong khi sữa bò chứa hàm lượng acid béo bão hòa cao hơn.
Một số nghiên cứu trên những người ăn nhiều thực phẩm từ đậu nành, đặc biệt là người dân châu Á, cho thấy đậu nành có thể giúp giảm các triệu chứng mãn kinh, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, loãng xương.
Ngoài ra, protein đậu nành không chứa cholesterol và chỉ chứa ít chất béo bão hòa. Isoflavone trong sữa đậu nành giúp ức chế sự hình thành mảng bám trên thành động mạch, ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
Mỗi cốc sữa đậu nành chứa khoảng 20mg isoflavones, giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch, ức chế sự hình thành mảng bám trên thành động mạch, hỗ trợ phòng ngừa loãng xương và giảm triệu chứng bốc hỏa thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ.
Cách làm sữa đậu nành nguyên chất thơm ngon và an toàn
Làm sữa đậu nành theo cách truyền thống
– Chọn loại đậu nành chất lượng tốt, sơ chế bằng cách rửa sạch nhiều lần với nước, sau đó ngâm trong nước qua đêm. Đậu sau khi ngâm trong nước sẽ nở to, và căng mẩy. Rửa sạch và loại bỏ vỏ và hạt có dấu hiệu hư hỏng.
– Cho đậu nành vào máy xay, thêm nước và xay cho đến khi hỗn hợp mịn. Tiếp theo, cẩn thận lọc hỗn hợp qua rây.
– Cho nước đậu đã lọc vào nồi, đun ở lửa nhỏ cho đến khi sữa sôi kỹ. Bạn có thể thêm một chút đường cho dễ uống hơn.
Làm sữa đậu nành bằng máy làm sữa hạt
– Chuẩn bị một lượng đậu vừa đủ, rửa sạch rồi ngâm đậu trong nước từ 8 – 12 tiếng hoặc qua đêm. Sau đó rửa sạch loại bỏ vỏ.
– Cho đậu đã chuẩn bị vào máy làm sữa hạt. Thêm một lượng nước vừa đủ, chọn chức năng phù hợp và nhấn nút, máy sẽ tự động xay và nấu chín nguyên liệu. Khi quá trình làm sữa của máy hoàn tất sẽ có chuông báo, bạn có thể để bớt nóng, uống trực tiếp hoặc bảo quản trong tủ lạnh.
Qua bài viết này, có thể thấy sữa bò hay sữa đậu nành là nguồn cung cấp protein, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Việc lựa chọn sữa để làm thức uống bổ sung tùy thuộc vào nhu cầu và sở thích của mỗi cá nhân.