Thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đối với sức khỏe của trẻ. Nguyên nhân chủ yếu do lựa chọn thực phẩm chưa hợp lý, đa dạng.
Theo điều tra của Viện dinh dưỡng Quốc gia giai đoạn 2014-2015 tỷ lệ trẻ thiếu Kẽm là 70% (trong đó miền núi 80%, nông thôn 72%, thành thị 50%) và thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ hơn 60%.
Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò vô cùng quan trọng giúp cơ thể tăng trưởng, phát triển trí tuệ, duy trì và nâng cao sức khoẻ cũng như phòng chống bệnh tật ở trẻ nhỏ dẫn đến khi để thiếu vi chất kéo dài sẽ kéo theo rất nhiều những hậu quả khôn lường ở trẻ.
Vi chất dinh dưỡng được chia làm 2 nhóm cơ bản:
Nhóm Vitamin (A, B, C, D, E…) và nhóm các nguyên tố khoáng (Canxi, Phốt pho, Sắt, Kẽm, Iốt, Selen…) trong đó hiện nay trẻ thường hay gặp thiếu “5 VI CHẤT QUAN TRỌNG” bao gồm Sắt, Kẽm, I-ốt, Canxi và 2 vitamin A, D.
Những dấu hiệu trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng
- + Trẻ biếng ăn và chậm tăng cân.
- + Trẻ chậm phát triển chiều cao.
- + Trẻ chạm chạp, mọi hoạt động thiếu sự nhanh nhẹn.
- + Dễ nổi mụn nhọt, hay ngứa và gãi.
- + Trẻ hay bị ốm: viêm mũi họng kéo dài, ỉa chảy tái diễn.
- + Rụng tóc, đặc biệt vùng gáy.
- + Tóc khô, móng tay chân dễ gãy.
- + Quấy khóc đêm, giật mình, ngủ giãy dụa không yên.
- + Ra mồ hôi trộm.
- + Da xanh, xạm, nhăn nheo.
- + Hay kêu đau nhức xương khớp.
Dự phòng và điều trị tình trạng trẻ thiếu vi chất ở trẻ
– Theo BS. Thạc sĩ Trần Quốc Khánh- Khoa phẫu thuật cột sống – Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Đức: ” Để phòng chống thiếu vi chất ở trẻ tốt nhất chính là thông qua nguồn thực phẩm ăn uống, bữa ăn của trẻ cần đa dạng và đầy đủ 4 nhóm chất thiết yếu bao gồm:
- + Tinh bột
- + Chất đạm
- + Chất béo
- + Nhóm chất xơ, vitamin cùng khoáng chất.”
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng thường xuyên thay đổi thực đơn cho trẻ và “Tô màu bát bột”, “Tô màu mâm cơm” bằng những thực phẩm nhiều màu sắc khác nhau. Và việc này cần bắt đầu từ khi trẻ mới bước vào ăn dặm.
– Dinh dưỡng thai kỳ cũng rất quan trọng. Dinh dưỡng đầy đủ trong thời kỳ này vừa giúp thai nhi phát triển tốt vừa giúp mẹ bầu dự trữ đủ vi chất dinh dưỡng để nuôi con bằng sữa mẹ sau này.
– Các chuyên gia khuyến nghị, mẹ nên cho con bú ngay sau sinh để trẻ tiếp nhận được nguồn sữa non giàu dưỡng chất, đặc biệt hàm lượng vitamin A trong sữa non giúp trẻ khỏe mạnh, tăng sức đề kháng và phòng chống bệnh. Và chỉ nên cai sữa sau 2 năm.
– Để cung cấp đủ vi chất, ngoài chọn thực phẩm tự nhiên còn có những thực phẩm chế biến sẵn như các loại sữa, bơ, phô mai, bánh quy, bột dinh dưỡng, các loại kẹo cốm… Tuy nhiên, nhu cầu các vi chất ở từng độ tuổi, giới tính, mức độ hoạt động thể chất… sẽ khác nhau và các nhà sản xuất cũng đã ghi ra nhãn dinh dưỡng trên bao bì nên mọi người có thể tham khảo trước khi bổ sung cho trẻ.
BS Khánh chỉ ra ví dụ: Bao bì ghi 15% canxi, nghĩa là thực phẩm đó cung cấp 15% nhu cầu canxi/1 ngày ở người bình thường.
+ Thực phẩm giàu sắt: thịt bò, thịt gà, gan, cá, trứng, đậu xanh, mộc nhĩ, vừng, rau dền, rau má…
+ Thực phẩm giàu canxi: rau xanh đậm, tép, tôm, cua dam, các loài cá, đậu đen, phô mai… và sữa cũng như các sản phẩm từ sữa như phô mai, bơ, sữa chua..
+ Sử dụng gia vị có iốt để chế biến món ăn là giải pháp dự phòng thiếu iốt rất tốt cho trẻ.
+ Thực phẩm nhiều kẽm: tôm, cua, hàu, ngao, thịt bò, thịt gà, hạt ngũ cốc, phô mai…
+ Thực phẩm giầu vitamin B, D: Dầu gan cá, gan và chất béo của động vật có vú, bơ, gan, trứng, đậu phộng; các loại rau có lá xanh sậm như bông cải xanh, cải bó xôi, măng tây..
+ Thực phẩm nhiều tiền vitamin A: rau củ quả có màu vàng, đỏ như cà chua, cà rốt, dưa hấu, đu đủ, gấc, ớt chuông…
+ Chú ý theo dõi thường xuyên sự phát triển về cân nặng, chiều cao, tâm thần, vận động của trẻ để điều chỉnh việc ăn uống và chăm sóc kịp thời.
Lưu ý: Cung cấp đầy đủ những vi chất thường bị thiếu hụt để giúp trẻ có sự tăng trưởng tốt, sức khỏe toàn diện để trở thành những người trưởng thành có tầm vóc, thể lực và trí tuệ ngang tầm thế giới.