Hai bài thuốc Đông y phòng và điều trị cúm mùa được giới thiệu bởi các bác sĩ khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh cúm mùa (cúm A, B) trong y học cổ truyền được gọi là “ôn dịch” và có tên “cảm mạo ôn bệnh”, thường gây bệnh ở tạng phế (hệ hô hấp). Tùy vào cơ địa và bệnh nền của mỗi người mà thời gian phát bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau.
Dưới đây là hai bài thuốc Đông y phòng và điều trị cúm mùa:
Ngọc bình phong tán
Ngọc Bình Phong Tán là bài thuốc cổ có nguồn gốc từ thời Kim Nguyên (Trung Quốc), chuyên dùng để điều trị cảm mạo ở những người có thể trạng yếu. “Bình Phong” có nghĩa là tấm chắn, còn “Ngọc Bình Phong” là tấm chắn được chế bằng ngọc có công dụng che chắn bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể.
Bài thuốc gồm 3 vị: hoàng kỳ 18-36 g, phòng phong 6-12 g và bạch truật 12 g. Sấy khô các vị thuốc, tán vụn rồi hãm với nước sôi trong bình kín, uống thay trà hàng ngày. Ngoài ra, bài thuốc này có thể sắc thuốc uống, mỗi ngày một thang.
Ngọc Bình Phong Tán giúp nâng cao hệ miễn dịch, cải thiện miễn dịch tế bào, ức chế phản ứng quá mẫn và tăng cường sức đề kháng cho niêm mạc đường hô hấp. Nhờ đó, bài thuốc có hiệu quả trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị viêm nhiễm do vi khuẩn, virus gây ra.
Tỏi ngâm mật ong giúp điều trị ho đau rát họng
Nguyên liệu làm bài thuốc này gồm 200 ml mật ong, 30 g tỏi (tương đương với 30 nhánh tỏi) và một lọ thủy tinh dung tích 300 ml.
Tỏi bóc vỏ đập dập hoặc băm nhỏ và để ngoài không khí khoảng 10 phút rồi cho vào hũ thủy tinh chứa sẵn 200ml mật ong. Ngâm trong hai tuần là có thể sử dụng. Nếu cần dùng ngay thì hấp cách thủy hỗn hợp trong 20 phút trước khi dùng.

Lưu ý: Tỏi chỉ hiệu quả trong trường hợp viêm họng do virus, dị ứng hoặc do các nguyên nhân không nhiễm trùng khác. Không sử dụng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi, người bị tiêu chảy hoặc đầy bụng.
Nguồn: VnExpress