10 điều kiêng kỵ khi vợ chồng cãi nhau

0
43

Mâu thuẫn vợ chồng là điều khó tránh trong đời sống hôn nhân, nhưng có những nguyên tắc quan trọng mà cả hai không nên vi phạm.

Không cãi nhau trước mặt người ngoài

Tranh cãi trước mặt người khác không chỉ không giải quyết được vấn đề mà còn có tác dụng ngược. Khi đó, cả hai đều muốn giữ thể diện, không ai chịu nhún nhường, dẫn đến căng thẳng khó hóa giải.

Vì vậy, hãy tôn trọng và giữ thể diện cho bạn đời trước mặt người ngoài. Nếu không quan tâm đến cảm xúc của đối phương, họ sẽ bị đánh giá thấp trong mắt người khác. Hạnh phúc hôn nhân cần sự vun đắp từ cả hai phía. Khi xảy ra xung đột, mỗi người nên hạ cái tôi, bao dung và tha thứ cho nhau.

Không cãi vã trước mặt con cái

Mâu thuẫn vợ chồng là chuyện của người lớn, không nên để con trẻ chứng kiến. Nếu để trẻ chứng kiến cha mẹ cãi vã có thể khiến trẻ bị ám ảnh, ảnh hưởng đến việc học tập và thậm chí hình thành quan điểm tiêu cực về hôn nhân sau này.

Dù có bất đồng, cha mẹ cũng cần tránh tranh cãi trước mặt con cái. Hãy kiểm soát cảm xúc và giữ bầu không khí gia đình yên bình. Nếu trẻ không cảm nhận được tình yêu thương trong gia đình, những xung đột của người lớn có thể gây tổn thương đến tâm hồn non nớt của chúng.

Không nhắc lại lỗi lầm cũ của đối phương

Đào bới lỗi lầm của bạn đời trong quá khứ như làm ăn thất bại trong công việc hay chuyện ngoại tình,… chỉ khiến mâu thuẫn thêm căng thẳng và tạo khoảng cách giữa hai vợ chồng.

Những chuyện đã qua nên cho qua, không nên vì một vấn đề nhỏ ở hiện tại trở thành cái cớ để khơi lại lỗi lầm cũ. Khi nóng giận, ai cũng có thể lỡ lời, nhưng không nên dùng sai lầm cũ để đẩy xung đột lên cao. Là vợ chồng nên yêu thương, quan tâm, chăm sóc và nhường nhịn nhau thì mới có thể hòa thuận hạnh phúc bền lâu.

Không nhắc lại lỗi lầm cũ của đối phương

Không nên cãi nhau khi đối phương đang mệt

Khi bạn đời đang mệt mỏi, căng thẳng hay gặp khó khăn, hãy kiềm chế cơn giận để tránh làm tình hình thêm tồi tệ.

Xung đột vào lúc này chỉ khiến mâu thuẫn tăng thêm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của đối phương, thậm chí trong trường hợp xấu nhất còn nghĩ quẩn. Là vợ chồng, hãy yêu thương và thấu hiểu để hạn chế những xung đột không đáng có.

Không kéo cha mẹ và người thân vào cuộc cãi nhau

Mâu thuẫn vợ chồng là chuyện riêng của hai người, không nên kéo cha mẹ hay người thân vào cuộc. Đặc biệt, đừng vì nóng giận mà nhục mạ hay nói xấu gia đình bạn đời, vì đó là điều bất kính và khó được tha thứ.

Không đập vỡ đồ đạc 

Khi vợ chồng mâu thuẫn, đừng tùy tiện đập phá đồ đạc. Tiếng cãi vã đã đủ ồn ào, thêm tiếng đồ đạc vỡ vụn chỉ khiến trẻ nhỏ sợ hãi và làm phiền hàng xóm.

Hơn nữa, đồ đạc là tài sản, là tiền hai vợ chồng bỏ ra mua sắm. Chỉ vì vài phút nóng giận mà phá hoại rồi lại phải dọn dẹp, có đáng không? Trong hôn nhân, điều quan trọng không phải là ai thắng trong tranh cãi, mà là biết nhường nhịn để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Không nói những lời tổn thương nhau

Khi mâu thuẫn, đừng buông lời tổn thương hay so sánh bạn đời với người khác. Những lời nói này có thể chạm vào lòng tự trọng của đối phương, đẩy mâu thuẫn lên cao trào, thậm chí xảy ra nhiều việc đáng tiếc. Do vậy, vợ chồng dù không vừa ý nhau cũng không được thốt ra những lời khiến nửa kia đau lòng.

Không nói những lời tổn thương nhau

Không lấy cái chết ra dọa

Nhiều cặp đôi khi cãi vã thường lấy cái chết ra dọa đối phương, nhưng đây là ngu ngốc nhất trong hôn nhân.

Việc liên tục “dọa” tự sát không chỉ tạo thêm khoảng cách giữa hai vợ chồng mà còn khiến đối phương trở nên “nhờn” hơn với sự chia ly.

Không nên “động tay, động chân”

Trong lúc cãi vã, chỉ một cái tát cũng sẽ làm tiêu tan nhiều năm ân tình. Đó không chỉ là nỗi đau về thể xác mà còn là nỗi đau tinh thần.

Vết đau thể xác có thể lành, nhưng tổn thương tinh thần thì khó xóa nhòa. Vì vậy, vợ chồng hãy luôn nhớ rằng bạo lực chưa bao giờ là cách giải quyết, mà chỉ đẩy hạnh phúc hôn nhân đến bờ vực rạn nứt.

Đừng dễ dàng nói “ly hôn”

Trong những cuộc cãi vã, nhiều người dùng ly hôn như một cách dọa dẫm, nghĩ rằng đối phương sẽ lo sợ mà nhượng bộ. Tuy nhiên, việc dễ dàng thốt ra lời này chỉ chứng minh rằng bạn không quá coi trọng hôn nhân nên mới dễ dàng nghĩ đến nó. Người bị “đe dọa” ly hôn thì lòng tự trọng, tính tự tôn bị tổn thương nặng nề. Hậu quả là người dọa ly hôn thì lại không muốn ly hôn còn người chưa bao giờ có ý định ly hôn thì lại quyết định ly hôn cho bằng được.

Hãy nhớ rằng, “ly hôn” là một từ rất nhạy cảm, một khi đã nói ra có thể phá vỡ mối dây liên kết tình cảm giữa vợ chồng.

Nguồn: VnExpress

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here